Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Định Yên và chuyện tình anh bán chiếu

SGTT.VN - Làng chiếu Định Yên (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) có tuổi đời hơn một trăm năm, nhưng chiếu làng bán ra chỉ quanh quẩn ở chợ ấp, chợ xã, xa lắm cũng chỉ là chợ huyện. Vậy mà từ khi đầu tư máy móc (năm 2003) từng bước thay thế dệt chiếu bằng thủ công, chiếu làng chẳng những tiêu thụ rộng khắp ở chợ huyện, chợ tỉnh mà còn xuất khẩu sang nhiều nước.
Chiếu Định Yên dệt máy với mẫu mã đa dạng.
Lái chiếc tải nhẹ chở đầy chiếu trên con đường làng quanh co, thỉnh thoảng xe lướt qua những giàn phơi chiếu, lác với đủ sắc màu sặc sỡ, Bé Tư khoe: “Trước đây, ai cũng nghĩ dệt chiếu bằng máy cho sản lượng nhiều, chiếu sẽ bị ế, máy sẽ đem bán sắt vụn, vậy mà bây giờ, chiếu làm ra lại không đủ bán”.
Trầy trật chuyển từ dệt tay sang dệt máy
Nhìn chiếu nhập khẩu lấn át nghề chiếu truyền thống, Bé Tư tự hỏi: “Sao chiếu Trung Quốc, Thái Lan, mỗi chiếc giá bán trên 100.000 đồng vẫn có người mua, còn chiếc chiếu truyền thống ở miền Tây quê mình giá chỉ mười mấy ngàn đồng, mà bán lại trầy trật?” Câu hỏi đó đã thôi thúc chàng thanh niên 36 tuổi quê ở huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) từ bỏ công việc với mức lương hậu hĩnh ở một công ty xuất khẩu chiếu tại TP.HCM để trở về làng chiếu Định Yên mở xưởng sản xuất. “Tui nghĩ chỉ còn cách làm cho chiếc chiếu truyền thống có chất lượng hơn lên”, Bé Tư hồi tưởng. Năm 2003, sau khi từ TP.HCM về Định Yên mở xưởng dệt chiếu, công đoạn đầu tiên mà Bé Tư cho thay đổi trong quy trình là không sử dụng sợi bố, mà dùng chỉ để thay thế. Nhờ vậy, chiếu dệt chỉ tuy chậm, nhưng cho chiếc chiếu đẹp và trang nhã.
Khi ký gởi tại các điểm bán lẻ, chiếc chiếu của Bé Tư đã được người tiêu dùng chấp nhận, đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Do dệt chiếu bằng thủ công, nên số lượng chiếu không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, Bé Tư đã tìm cách chuyển sang dệt chiếu bằng máy. Tuy nhiên, vào thời điểm này, chưa nơi nào sản xuất được máy dệt với chất lượng ổn định, nên anh nghĩ ra cách mua máy “nghĩa địa” nhập khẩu từ Hàn Quốc để cải tiến cho phù hợp với điều kiện sản xuất ở quê nhà. Khó khăn nhất là cải tiến từ máy dệt khổ 1,2m sang máy dệt chiếu khổ 1,6m, Bé Tư kể: “Lúc đầu, máy dệt nghe “nhức đầu” lắm, mặt chiếu xù xì, năng suất kém, dân làng chiếu đến xem ai cũng bán tín bán nghi, có người nói: trước sau gì máy dệt của Bé Tư cũng sẽ trùm mền”. Không nản chí, Bé Tư cùng nhóm bạn hì hục sửa chữa, đúng một năm ròng, chiếc máy dệt cải tiến hoàn thiện. Bé Tư mừng rơn và mua 24 chiếc máy về cải tiến và lập nên hợp tác xã (HTX) sản xuất chiếu Thanh Bình.
Cải tiến máy dệt đã khó, thuê người đến dệt lại càng khó hơn vì cả trăm năm nay, người thợ làng chiếu chỉ quen dệt tay truyền thống. “Tui mời thợ dệt trong xóm đến dạy nghề miễn phí và trả công gấp rưỡi so với bên ngoài, vậy mà không ai tới, nên tui phải nhờ đến hội Phụ nữ xã, huyện đứng ra vận động người đến học. Mười bữa, nửa tháng trôi qua, các thợ dệt bắt đầu quen máy, lúc này, người học nghề không chịu nhận lương ngày mà quay sang “đòi” ăn lương theo sản phẩm vì thấy máy dệt cho ra nhiều chiếu. Nhiều người còn rủ em chồng, em vợ, em dâu, em ruột… đến học rần rần”, Bé Tư kể.

Cạnh tranh với chiếu ngoại

Ngoài việc sử dụng chỉ thay thế sợi bố, máy thay thế dệt tay, Bé Tư còn dùng máy đánh tơi sạch từng sợi lác trước khi đem dệt, sau khi dệt xong, chiếu được đem đi may bìa và đưa vào máy ép, nên chiếc chiếu sắc sảo, bóng ngời hơn hẳn chiếu dệt thủ công. Ôm chiếu vào lòng, Bé Tư khoe:“Chiếu dệt máy có chất lượng trăm chiếc như một, phơi khô không gãy, giữ màu và giữ được mùi thơm của lác, trong khi chiếu dệt tay, có chiếc thưa, chiếc dày, trông thô sơ, bán hổng được giá”. Không chỉ sản xuất chiếu tại HTX, Bé Tư còn đầu tư máy cho nhiều hộ trong làng chiếu và thu mua lại toàn bộ sản phẩm. Nhiều hộ cũng đã tự đầu tư vốn sắm máy dệt chiếu và bán sản phẩm cho HTX chiếu Thanh Bình.
Công việc làm ăn đang “xuôi chèo mát mái” thì năm 2006, sản phẩm chiếu của HTX Thanh Bình bị lao đao khi chiếu nilông của Trung Quốc, Thái Lan xâm nhập thị trường trong nước. Với lợi thế giá rẻ, mẫu mã đa dạng, giá cả ổn định, nên chiếu nilông đã nhanh chóng “hớp hồn” người tiêu dùng và đẩy sản phẩm chiếu của HTX Thanh Bình đến chỗ đình đốn.
Điều bất ngờ là sau hai năm sử dụng, người tiêu dùng mới nhận ra chiếu nilông không thoát hơi, nên người tiêu dùng đã từ chối và quay sang sử dụng chiếu lác và chiếu của HTX Thanh Bình chiếm lĩnh lại thị phần ở miền Tây Nam bộ. Không chỉ tiêu thụ khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long, chiếu của HTX Thanh Bình còn xuất khẩu sang nhiều nước như: Campuchia, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc… Từ chỗ chỉ có vài chục máy dệt, đến nay, làng chiếu Định Yên có trên 300 máy dệt, mỗi năm, sản xuất 1,3 triệu chiếc chiếu, tăng gấp ba lần so với mười năm trước, trong đó, 70% sản lượng được tiêu thụ bởi HTX Thanh Bình.
Không chỉ là dệt máy, làng chiếu còn hình thành nhiều ngành nghề phụ trợ, như: dệt vải, may bìa chiếu, sản xuất khung dệt, bảo trì, in ấn hoa văn…
Ưu tiên cho nội địa
Phan Văn Bé Tư bên sản phẩm chiếu dệt máy được đóng gói, bao bì trước khi đưa ra chợ.
Mười năm gắn bó với làng chiếu, đọ sức với thị trường trong, ngoài nước cùng bao nỗi thăng trầm, có lẽ đó là khoảng thời gian đủ để Bé Tư nhận ra rằng, đây là nghề có sức cuốn hút mãnh liệt và thị trường hầu như mênh mông, anh phân tích: “Đứa bé vừa sinh ra nằm nôi cũng cần đến chiếc chiếu, lớn lên cưới vợ, gả chồng dẫu có nệm gối gì chăng nữa cũng phải mua cặp chiếu tượng trưng để đám cưới kết hôn… nên nghề chiếu không thể mai một”. Vì vậy, hội chợ triển lãm nào ở địa phương cũng đều có mặt sản phẩm chiếu của HTX Thanh Bình, Bé Tư cho rằng đó là cơ hội tốt để quảng bá cho sản phẩm và đưa làng nghề truyền thống phát triển xa hơn. Anh cho biết đơn vị đang đưa vào sản xuất thử nghiệm dòng chiếu cao cấp, với bao bì, kiểu dáng, màu sắc được đầu tư chỉn chu hơn, được bán với giá hợp lý hơn và đang được ký gởi tại các đại lý.
Ngoài hệ thống phân phối là đại lý ở khắp các tỉnh thành miền Tây Nam bộ, sắp tới dòng sản phẩm chiếu cao cấp này sẽ được đưa vào hệ thống các siêu thị. Theo anh Bé Tư, dù sản lượng chiếu cung ứng cho xuất khẩu chiếm đến 30%, nhưng thị trường nội địa vẫn là ưu tiên số một trong kế hoạch lâu dài của Thanh Bình, “vì đó là thị trường ăn chắc, mặc bền và ít bị biến động”, Bé Tư tin tưởng. Anh cũng vui mừng khoe: “Tui vừa tốt nghiệp lớp trung cấp quản trị kinh doanh và đang cho đứa con học đại học cũng ngành quản trị kinh doanh, hy vọng với kiến thức thu lượm được, việc kinh doanh sẽ được cải thiện hơn”.
Năm năm, mười năm hay nhiều hơn nữa, có thể sẽ có thêm nhiều kỳ tích mới, nhưng người dân làng chiếu Định Yên sẽ không quên ghi nhận cách làm của Bé Tư, cách kết màu cho chiếc chiếu Định Yên thêm đẹp thêm bền, đưa chiếu Định Yên đi xa hơn ở thị trường trong và ngoài nước.

Bài và ảnh: Hiếu Thảo

Không có nhận xét nào: